Y học cổ truyền đã điều trị và chữa căn bệnh viêm đường hô hấp như thế nào? Tại sao nhiều phương thuốc vẫn được lưu truyền và sử dụng rộng rãi đến tận ngày nay? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một trong những phương thuốc cổ có hiệu quả tích cực trong điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp: Ngân Kiều Tán.
NỘI DUNG CHÍNH
“Ngân Kiều Tán” – bài thuốc cổ phương lừng danh có lịch sử hàng ngàn năm
Theo quan điểm của y học cổ truyền, các bệnh đường hô hấp thường do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Bệnh này thường xảy ra khi sức đề kháng của cơ thể giảm hoặc bị ảnh hưởng do thay đổi thời tiết. Trong cuốn “Ôn bệnh điều biện” của Ngô Đường có ghi chép về bài thuốc “Ngân kiều tán” có tác dụng điều trị các chứng ôn bệnh giai đoạn đầu mà ngày nay y học hiện đại thường gọi là các bệnh viêm đường hô hấp.
Bài thuốc Ngân Kiều Tán có nguồn gốc từ thời nhà Thanh, do danh y nổi tiếng Ngô Thông Cúc lập ra được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Ngày nay, bài thuốc này cũng được ứng dụng để phòng và điều trị nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp cấp, nhất là bệnh viêm đường hô hấp. Bài thuốc Ngân Kiều Tán ban đầu chỉ gồm 9 vị cổ truyền như sau:
- 8 – 12g Liên kiều
- 8 – 12g Ngưu bàng tử
- 6 – 12g Cát cánh
- 8 – 12g Kim ngân hoa
- 6 – 8g Trúc diệp
- 8 – 12g Bạc hà
- 4 – 6g Kinh giới tuệ
- 2 – 4g Cam thảo
- 8 – 12g Đạm đậu xị
Hiện nay, tùy vào từng triệu chứng và thể trạng khác nhau, bài thuốc Ngân Kiều Tán thường được điều chỉnh thêm bớt một số loại dược liệu để đem lại công dụng trị bệnh tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ thông tin cơ bản về bài thuốc gốc để có thể định lượng cho phù hợp.
Hiệu quả của bài thuốc Ngân Kiều Tán
Bài thuốc Ngân Kiều Tán chủ trị thanh nhiệt, giải độc, tân lương, thấu biểu. Và công dụng của bài thuốc được đúc kết ngắn gọn trong 4 câu thơ:
Ngân kiều thanh nhiệt thấu tà
Đậu xị, kinh giới, bạc hà trợ quân
Cam thảo, Cát cánh hòa trung
Ngưu Bàng, Trúc diệp sinh tân trừ phiền
Trong đó, chúng ta có thể chia 9 vị thuốc thành các nhóm như sau:
Tác dụng tân lương, thấu biểu
Kim Ngân Hoa, Liên Kiều dược xem là chủ dược, quân dược của bài thuốc. Hai vị này tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tân lương, thấu biểu. Trúc Diệp là vị thuốc thanh nhiệt sinh tân, chỉ khái, đôi khi cũng được coi là chủ dược và có thể điều hòa tính ôn của Kinh Giới, giúp bài thuốc phát tán nhanh hơn.
Ba vị thuốc này còn kiêm tính cay, mát nên danh y Ngô Cúc Thông còn gọi đó là vị thuốc “tân lương bình tễ”. Và đây là 3 thành vị giúp làm mát cơ thể, phát tán độc tố theo mồ hôi, giúp hạ sốt.
Tác dụng thanh nhiệt, giải độc
Bạc Hà, Kinh Giới, Đạm Đậu Xị là những vị thuốc vị cay, ấm, có tác dụng hỗ trợ, giúp giải biểu phát hãn, đuổi tà khí ra bên ngoài. Trong đó tác dụng nổi bật là phát tán phần khí nóng trong và phần tà độc do virus xâm nhập vào cơ thể con người.
Hiệu quả tuyên phế, lợi yết
Cát Cánh, Ngưu Bàng Tử, Cam Thảo là 3 vị thuốc giúp tuyên phế hóa đờm, giúp chỉ khái và chữa chứng đau họng do nhiệt gây ra. Hay chúng ta có thể hiểu đây là những vị thuốc giúp khai thông hô hấp và loại trừ độc tố, khử đờm hiệu quả. Cam Thảo cũng là thành phần có tính điều hòa, trung hòa tất cả các vị thuốc còn lại, giúp gia tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, tân lương, thấu biểu.
Kết hợp 9 vị này được bài thuốc có tác dụng tân lương, thấu phát, trị ngoại cảm sơ khởi, tà tại phế vệ. – theo Phương tễ học – TTND. BSCC Trần Văn Bản. Còn theo danh y Ngô Cúc Thông nói: “Chữa ở thượng tiêu thì cần như lông, không nhẹ thì không cất lên được”. Vì thế nên bài thuốc này sử dụng những vị có tính nhẹ để có thể tuyên thông phế khí, giải biểu tà. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp và triệu chứng của bệnh nhân mà các loại thuốc tán cần gia giảm, thời gian sắc thuốc cũng không nên quá lâu.
Cách dùng bài thuốc Ngân Kiều Tán
Cách dùng Ngân Kiều Tán tốt nhất là đem tất cả các vị thuốc tán thành bột mịn. Khi dùng lấy thêm rễ lô căn còn tươi, nấu cùng với thuốc và mỗi lần sắc dùng từ 16-20 gram thuốc bột.
Lưu ý, với cách sắc thuốc truyền thống: chỉ nên sắc tới khi thấy mùi thơm bay lên có thể rót ra để dùng, tránh không sắc quá lâu, thang thuốc thành đậm vị và dẫn vào trung tiêu (sai vị trí). Đồng thời, nên tùy vào tình hình bệnh nặng hay nhẹ để thay đổi số lần uống từ 1 tới 3 lần/ ngày mỗi ngày cho phù hợp.
Ứng dụng của bài thuốc trong điều trị và chữa bệnh
Ngân Kiều Tán sử dụng những vị thuốc có tính nhẹ nên khả năng thăng phát, thanh nhiệt và giải độc tốt. Bài thuốc được dùng cho những bệnh ôn sơ khởi, bệnh ở phần thượng tiêu.
Theo đó, bài thuốc Ngân Kiều Tán có thể áp dụng cho các bệnh lý thường gặp như: viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp, cảm cúm, ho gà, viêm amidan cấp, viêm họng… Bệnh thường xuất hiện triệu chứng như phát nhiệt ố hàn hoặc ôn nhiệt mới phát, phát nóng không mồ hôi hoặc ít mồ hôi, đầu đau nhức, miệng khát nước, họng đau, mạch phù sác, lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng.
Tương tự quan điểm của y học cổ truyền, nếu virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp làm gia tăng lượng tà khí, gây suy yếu hệ miễn dịch. Và nếu sức đề kháng không đủ mạnh sẽ gây ra các tình trạng như viêm nhiễm, tổn thương tại phổi. Chính vì vậy, ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh bài thuốc Ngân Kiều Tán cũng có tác dụng tốt trong việc phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp cho virus Sars- cov-2.
Ngày nay, rất nhiều nhà nghiên cứu, bác sĩ đã ứng dụng bài thuốc Ngân Kiều Tán để điều chế ra các sản phẩm có công dụng vượt trội hơn, dễ sử dụng và bảo đảm an toàn hơn so với phương pháp truyền thống.
Trên đây là các thông tin cơ bản về phương thuốc hỗ trợ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Ngân Kiều Tán. Mặc dù có rất nhiều loại kháng sinh điều trị viêm nhiễm đường hô hấp nhưng các chuyên gia luôn cảnh báo việc tự ý dùng kháng sinh có thể gây ra những tác dụng phụ, làm suy yếu hệ thống đề kháng, miễn dịch vốn có của cơ thể. Chính vì vậy, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên, sử dụng các bài thuốc quý từ thảo dược đang là sự lựa chọn hàng đầu của các y bác sĩ trong điều trị và khám chữa cho người bệnh.