Bài viết được chia sẻ bởi Tiến sĩ. Bác sĩ CC Ngô Quang Trúc chuyên khoa Tâm thần – Thần kinh, trên trang Y học Bản Địa.
Bệnh xơ vữa động mạch là một bệnh toàn thân, tiến triển mạn tính, thường xuất hiện ở người đứng tuổi, nó có thể phát sinh ở lứa tuổi còn khá trẻ.
Tại bệnh viện Bạch mai Hà Nội, tôi đã được chứng kiến bé trai 13 tuổi bị bệnh xơ vữa động mạch, sau đó tử vong và tôi đã được xem trực tiếp mổ tử thi, kết luận: Tất cả các động mạch trong cơ thể của bệnh nhi này đều bị xơ vữa nặng…
NỘI DUNG CHÍNH
Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch não
Xơ vữa động mạch não: Vì xảy ra ở động mạch não, động mạch não có nhiệm vụ đưa máu từ tim đến để nuôi dưỡng não, mà não là cơ quan tối quan trọng: Nó là phần “hồn” của mỗi một con người; Và cũng là nơi tập trung các trung tâm chỉ huy các hoạt động sống còn của cơ thể như trung tâm tuần hoàn, trung tâm hô hấp, trung tâm thân nhiệt… Nên khi bị xơ vữa động mạch não sẽ có những đặc điểm đặc biệt riêng biệt so với các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể: Các rối loạn tâm thần (rối loạn phần “hồn”) là rất hay gặp.
Cụm từ “ Xơ vữa động mạch não” (Artherosclerosis cerebralis) được xem là đồng nghĩa với “ xơ cứng động mạch não” (Arteriosclerosis cerebralis”: Như thế là không đúng.
Xơ cứng động mạch là một khái niệm có tính chất tập hợp, bao gồm những đơn vị bệnh lý khác nhau, có cùng một dấu hiệu chung bên ngoài là sự biến đổi (cứng, xơ hóa) của thành động mạch. Xơ cứng động mạch, ngoài những biến đổi vữa xơ, nó còn có thể biến đổi dưới dạng thoái hóa kính (hyalinosal) trong bệnh tăng huyết áp, ngấm vôi tiên phát dưới lớp áo giữa các động mạch, tổn thương viêm động mạch trong trong các bệnh dị ứng và nhiễm khuẩn ( ví dụ bệnh giang mai…) v.v.
Lâm sàng bệnh xơ vữa động mạch não
Bệnh thường hay bắt đầu bằng những triệu chứng: Dễ bị kích thích, dễ bị mệt mỏi, giảm khả năng lao động, đặc biệt là lao động về trí óc. Người bệnh hay đãng trí, khó tập trung chú ý…
Bệnh nhân có sự biến đổi về nhân cách: Những nét nhân cách trước kia được cường điệu lên như thể được biếm họa một cách độc đáo, đó cũng là điểm đặc trưng của bệnh xơ vữa động mạch bắt đầu: Người trước kia thiếu tin tưởng này trở thành đa nghi thực sự, người vốn vô tư thành nhẹ dạ hơn, người vốn tiết kiệm nay thành người rất hà tiện, người vốn hay bối rối thành lo âu thật sự. Nhà tâm thần học nổi tiếng K. Schneider gọi những thay đổi kiểu này là một “Biếm họa lệch lạc về nhân cách”.
Bệnh càng phát triển thì rối loạn về trí nhớ và giảm khả năng lao động lại càng rõ rệt. Người bệnh hay bị quên; không biết mình phải làm gì; không nhớ là đã đặt vật này hay vật khác ở đâu; rất khó ghi nhận những điều mới mẻ; đặc biệt có rối loạn trí nhớ về các sự kiện hiện tại (người bệnh còn nhớ về quá khứ tương đối tốt). Điều này bắt buộc người bệnh (mà bệnh nhân còn đánh giá được và phê phán được trạng thái này của mình) ngày càng phải dùng sổ tay ghi chép (khắc phục tình trạng quên). Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện hội chứng Cocxacop (Korsakoff) điển hình.
Tư duy người bệnh cũng bị biến đổi: Mất tính linh hoạt và tính mềm dẻo vốn có trước đây, người bệnh trở nên tỉ mỉ quá mức, sa lầy vào các chi tiết vụn vặt cá biệt, sinh nhiều lời; khó phân tích những điều chủ yếu, khó chuyển từ đề tài này sang đề tài khác (tư duy cứng nhắc).
Nét đặc trưng của xơ vữa động mạch não là biểu hiện xúc cảm rất không ổn định: Đó là cái mà người ta gọi là tâm hồn yếu đuối; người bệnh trở nên mau nước mắt, dễ xúc động, không cầm được nước mắt khi nghe nhạc hay xem phim, khóc lóc khi mà điều buồn phiền hoặc vui mừng là rất nhỏ (nếu người bình thường thì không thể có), dễ chuyển từ khóc sang cười và ngược lại. Khuynh hướng phản ứng với kích thích cũng điển hình; những phản ứng đó cũng tăng dần, cho đến có những cơn giận dữ gay gắt vì một lý do rất không đáng kể, bệnh nhân trở nên khó tiếp xúc với những người xung quanh, ích kỷ, nôn nóng, hay đòi hỏi, hay cả giận…
Một số trường hợp bệnh xơ vữa động mạch não xuất hiện trạng thái trầm cảm, người bệnh quá lo lắng về sức khỏe của mình, đôi khi có nhiều lời kêu ca mang tính nghi bệnh. Trạng thái khoái cảm ít gặp hơn. Đôi khi phát sinh cấp tính chủ yếu vào ban đêm trạng thái thay đổi ý thức có mê sảng và ảo giác (thường là ảo thị và ảo thính), thông thường kéo dài vài giờ, ít khi kéo dài vài ngày.
Bệnh nhân rất hay có hoang tưởng suy đoán các loại: Thông thường đó là các hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng kiện cáo, hoang tưởng nghi bệnh…; Nhưng cũng có thể gặp các hoang tưởng có tính chất khác: Hoang tưởng phát minh, hoang tưởng khiêu dâm…
Triệu chứng đặc trưng của bệnh xơ vữa động mạch não là cơn đột quỵ (insultus). Trong đột quỵ, trạng thái rối loạn ý thức kiểu loại trừ có thể xảy ra đột ngột như hôn mê (hoặc có thể bán hôn mê hay “chạng vạng ý thức”)… Nếu những trung tâm quan trọng cho hoạt động sự sống trong cơ thể bị tổn thương và rối loạn nặng (trung tâm tuần hoàn, hô hấp…) thì người bệnh rất mau chóng dẫn đến tử vong…
Trong các trạng thái khác, người bệnh có thể bị co giật động kinh kèm theo mất ý thức trong thời gian ngắn, có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày, sau đó ý thức trở nên hồi phục tỉnh táo dần; người bệnh có thể có kích động ngôn ngữ và vận động, băn khoăn, lo âu, sợ hãi.
Cần chú ý rối loạn ý thức kiểu hoàng hôn trong cơn co giật động kinh vì bệnh nhân có thể đập phá, giết người trong trạng thái này. Hậu quả của các cơn đột quỵ, không chỉ có những rối loạn về thần kinh như : Đau đầu, mất ngủ, liệt vận động tự chủ, mất ngôn ngữ, rối loạn về động tác…; mà còn có các rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau, nặng nề nhất là mất trí sau đột quỵ não.
Bệnh có các biến đổi về toàn thân: Xơ vữa động mạch là một bệnh toàn thân, có thể toàn bộ động mạch trong cơ thể bị xơ vữa trong đó có động mạch não. Người ta thấy xơ vữa các mạch máu ở ngoại vi và các cơ quan nội tạng, nhất là động mạch ở tim và động mạch ở gan thận…; Nên có thể thấy tăng huyết áp, tim nhịp nhanh, tức ngực, khó thở, các bệnh về thận do giảm chức năng của gan, thận…
Nhìn chung, hình dạng bên ngoài của người bệnh bị xơ vữa động mạch là già trước tuổi.
Tiến triển và tiện lượng bệnh xơ vữa động mạch: Nhìn chung bệnh ngày càng nặng dần nếu không được điều trị; bệnh tiến triển có tính chất dao động làn sóng, lúc tăng lúc giảm, nên gây tâm lý chủ quan cho người bị bệnh. Tiên lượng phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó mức độ và vị trí tổn thương của động mạch là quan trọng nhất.
Phòng và điều trị bệnh xơ vữa động mạch
Muốn đề phòng bệnh xơ vữa động mạch, ngoài chế độ ăn uống đúng đắn (như hạn chế ăn thức ăn có nhiều Cholesterol và mỡ); loại trừ các yếu tố nhiễm độc (rượu, thuốc lá…); thì vấn đề có ý nghĩa lớn còn là việc tổ chức hợp lý quá trình lao động và nghỉ ngơi; rèn luyện thân thể có hệ thống và vừa sức đặc biệt cần ngăn ngừa sự căng thẳng quá mức về tinh thần.
Nguồn: TS. BSCC Ngô Quang Trúc/ Yhocbandia.vn