Ở Việt Nam, đã có thời, có những người nghiên cứu giảng dạy và viết sách cho rằng “Đông y” có xuất xứ từ mảnh đất “Phương Đông”… Ngày nay “Đông y” là thuật ngữ được sử dụng song song với “Y học cổ truyền”, dùng chỉ nền y học có nguồn gốc Trung Quốc và Việt Nam xưa, để phân biệt với “Tây y” (Y học hiện đại).
Lý luận Đông y dựa trên nền tảng triết học cổ Trung Hoa: Âm Dương, Ngũ Hành. Âm Dương, Ngũ Hành cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh, việc chữa bệnh nhằm lập lại trạng thái cân bằng của các yếu tố đó (trong khi Tây y dựa trên các kiến thức về giải phẫu, sinh lý, vi sinh v.v. cùng các thành tựu của các ngành khoa học hiện đại).
Bên cạnh Âm Dương, Ngũ Hành, cơ sở lý luận Đông y còn bao gồm: học thuyết Thiên Nhân hợp nhất, học thuyết kinh lạc, bát cương, học thuyết tạng tượng. Mặc dầu tạng tượng học Đông y có nhiều điểm tương đồng với giải phẫu và sinh lý học Tây y, các từ Hán-Việt dùng để chỉ các tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận), phủ (Vị, Đởm, Tam tiêu, Bàng quang, Tiểu trường, Đại trường) trong Đông y không đồng nhất với các từ chỉ các cơ quan theo giải phẫu học Tây y (Tim, Gan, Lách, Phổi, Thận; Dạ dày, Mật v.v.). Bởi lẽ Đông y có một hệ thống lý luận khác, theo đó, việc chia tách cơ thể thành các bộ phận khác nhau một cách rạch ròi chỉ là khiên cưỡng, do cơ thể là một thể thống nhất.
Chẩn đoán Đông y dùng các phương pháp Vọng chẩn (quan sát bệnh nhân và hoàn cảnh), Văn chẩn (lắng nghe âm thanh từ thể trạng và tâm sự của bệnh nhân), Vấn chẩn (hỏi bệnh nhân và người nhà những điều liên quan), Thiết chẩn (khám bằng tay và dụng cụ) để xác định bệnh trạng. Điều trị Đông y gồm có phương pháp châm cứu, các thuốc uống hoặc dùng ngoài da, và cả xoa bóp.
Phương pháp châm cứu dựa trên hệ thống kinh mạch được miêu tả chi tiết với hàng trăm huyệt trên cơ thể. Các huyệt và các đường kinh mạch có mối liên hệ với các tạng, phủ trong cơ thể, để điều trị các rối loạn ở tạng phủ nào, rối loại kiểu nào thì can thiệp vào các huyệt tương ứng và một số huyệt khác để hỗ trợ nếu cần thiết. Điều đặc biệt là hệ thống các huyệt, kinh mạch đó không thể dùng các phương pháp giải phẫu, sinh lý của Tây y để miêu tả được, tuy rằng trong thời đại ngày nay, châm cứu được sử dụng như một phương pháp gây vô cảm (gây tê) trong một số cuộc phẫu thuật (Đông Tây y kết hợp).
Thuốc Bắc là các vị thuốc được khai thác và bào chế theo sách của Trung Quốc truyền sang (và phát triển bởi các lương y người Việt). Thuốc Namthầy thuốc khám phá trên lãnh thổ Việt Nam. Các vị thầy thuốc nổi tiếng được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam là Lê Hữu Trác (còn lưu truyền bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh là sách căn bản của Đông y Việt Nam) và Tuệ Tĩnh (tác giả của câu nói nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân” – thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam).
Thuốc Bắc là cách gọi ở Việt Nam đối với các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc. Gọi là thuốc Bắc để phân biệt với thuốc Nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Ở Trung Quốc gọi thuốc này là Trung dược (zhōngyào), Hán dược , v.v… Thuốc Bắc được sử dụng rộng rãi ở các nước thuộc khu vực văn hóa Trung Hoa và trong cộng đồng người Hoa.
Phân loại
Phân theo tính, thuốc Bắc chia làm 4 loại có tính hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (mát), bình (bình thường).
Phân theo vị, thuốc Bắc chia làm 5 loại có vị: ngọt, cay, đắng, chua, mặn.
Phân theo nguyên liệu có 3 loại: thực vật, động vật, khác. Người làm thuốc Bắc có thể khai thác các phần khác nhau của một loài thực vật (rễ, củ, thân, vỏ, lá, hoa, quả, hạt), các bộ phận cơ thể động vật (thậm chí cả xương,sừng, vây của chúng), một số loại khoáng chất (như hoàng thổ, thạch tín), … làm thuốc Bắc.
Bào chế
Các loại thuốc Bắc có nguồn gốc thực vật nói chung hay được phơi khô, tẩm sấy. Tuy nhiên cũng có vị thuốc Bắc được giữ tươi như nhân sâm chẳng hạn. Các loại có nguồn gốc động vật có thể được đem sấy khô (như vây cá mập), ngâm rượu (như tắc kè, cá ngựa, các bộ phận sinh dục của con đực), nấu thành cao hổ cốt, cao khỉ, v.v…).
Kê thuốc
Để có một đơn thuốc Bắc, các thầy thuốc thường áp dụng phương pháp chẩn đoán truyền thống của y học cổ truyền Trung Quốc là bắt mạch, xem sắc thái). Một khi đã xác định được bệnh, thầy thuốc thường kê nhiều loại thuốc Bắc phối hợp với nhau theo một tỷ lệ nhất định vào trong một đơn vị gọi là thang thuốc. Hiếm khi dùng chỉ riêng một loại thuốc Bắc. Y học cổ truyền Trung Quốc dựa vào thuyết âm dương ngũ hành để phối hợp các vị thuốc Bắc.
Sử dụng thuốc
Người bệnh thường được đề nghị dùng nhiều thang cho một đợt điều trị. Nhìn chung, điều trị bằng thuốc Bắc thường mất thời gian hơn so với điều trị bằng y học hiện đại đối với cùng một loại bệnh.
Thuốc Bắc được dùng qua đường miệng là chủ yếu. Thuốc đem luộc trong nước (sắc thuốc) theo tỷ lệ do thầy thuốc đề nghị, chẳng hạn như một thang thuốc với bao nhiêu bát nước và đun để còn bao nhiêu bát thuốc nước. Đối với người bệnh không có điều kiện sắc thuốc, thầy thuốc có thể cho dùng thuốc đã bào chế thành viên. Đối với thuốc Bắc ngâm rượu bao gồm cả bộ phận động vật ngâm rượu hay cao đem ngâm rượu, thầy thuốc cũng yêu cầu cách sử dụng chặt chẽ, như ngày uống bao nhiêu chén vào lúc nào.
Ngoài ra, thuốc Bắc cũng có thể dùng để trườm, đắp, bôi, để trong gối dùng khi đi ngủ.
Thuốc Bắc còn có thể dùng với thực phẩm như tiềm (hầm) với gà, nấu canh, nẫu lẩu, làm kẹo ngậm.
Những ngộ nhận về thuốc Bắc
Nhiều người cho rằng thuốc Bắc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, nên không có tác dụng phụ. Điều này dẫn đến các cách sử dụng thuốc Bắc sai lầm như dùng quá liều quá lâu, phối hợp các vị thuốc không theo tỷ lệ hợp lý. Thực tế mỗi vị thuốc đều có thể tác động tới nhiều cơ quan. Trong quá trình điều trị bệnh phát sinh ở một cơ quan này, thuốc đồng thời gây ra tác dụng phụ không mong muốn ở cơ quan khác.
Bs. Hoàng Đôn Hòa
Nghiên cứu viên
Viện Y Học Bản Địa Việt Nam
Biên soạn
Doctor SAMAN
Nguồn Website: yhocbandia.vn