Bài viết được chia sẻ bởi Tiến sĩ. Bác sĩ CC Ngô Quang Trúc chuyên khoa Tâm thần – Thần kinh, trên trang Y học Bản Địa.
Rối loạn giấc ngủ là một nhóm các tình trạng ảnh hưởng đến khả năng ngủ ngon một cách thường xuyên. Cho dù chúng là do một vấn đề sức khỏe gây ra hoặc do quá căng thẳng, rối loạn giấc ngủ đang ngày càng trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, hơn 1/3 số người lớn ở Hoa Kỳ báo cáo ngủ ít hơn 7/24 giờ. Hơn 70% học sinh trung học báo cáo ngủ ít hơn 8 tiếng vào các buổi tối trong tuần.
Tùy thuộc vào rối loạn giấc ngủ, mọi người có thể khó đi vào giấc ngủ và có thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi suốt cả ngày hôm sau. Việc thiếu ngủ có thể tác động tiêu cực đến năng lượng tâm thần, sự tập trung chú ý và sức khỏe tổng thể. Trong một số trường hợp, rối loạn giấc ngủ có thể là một triệu chứng của một tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc y tế khác. Những vấn đề về giấc ngủ này cuối cùng có thể biến mất sau khi điều trị được nguyên nhân cơ bản.
Điều quan trọng là phải được được chẩn đoán và điều trị ngay, nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị rối loạn giấc ngủ. Khi không được điều trị, những tác động tiêu cực của rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến những hậu quả về sức khỏe. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của bạn trong công việc, gây căng thẳng trong các mối quan hệ và làm giảm khả năng hoạt động hàng ngày của bạn.
Các dạng rối loạn giấc ngủ
Có nhiều dạng rối loạn giấc ngủ khác nhau. Một số có thể do các tình trạng rối loạn sức khỏe tiềm ẩn khác gây ra.
1. Mất ngủ điển hình
Mất ngủ là tình trạng không thể đi vào giấc ngủ. Nó có thể gây ra bởi tình trạng trễ máy bay, căng thẳng và lo lắng, Hormone hoặc các vấn đề tiêu hóa. Nó cũng có thể là triệu chứng của một tình trạng khác của cơ thể.
Mất ngủ có thể có vấn đề đối với sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của bạn, có khả năng gây ra: phiền muộn, khó tập trung, cáu gắt, tăng cân, hiệu suất công việc hoặc học tập bị suy giảm.
Mất ngủ thường được phân chia là một trong 3 loại sau:
- Mạn tính, khi chứng mất ngủ xảy ra thường xuyên trong ít nhất 01 tháng.
- Mất ngủ theo chu kì, ví dụ các ngày rằm trăng tròn thì mất ngủ hoặc mất ngủ trong kỳ kinh, kỳ rụng trứng ….
- Mất ngủ thoáng qua, chỉ vài đêm…
2. Chứng ngừng thở trong lúc ngủ khiến người bệnh tỉnh giấc
Chứng ngừng thở khi ngủ được đặc trưng bởi sự ngừng thở trong khi ngủ. Đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khiến cơ thể hấp thu ít Oxy hơn. Nó cũng có thể khiến bạn thức giấc vào ban đêm. Có 2 loại:
- Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trong đó luồng không khí dừng lại do không gian đường thở bị cản trở hay quá hẹp, dẫn tới tăng Pco2 và gây thức giấc.
- Ngừng thở khi ngủ do mất kết nối giữa não – cơ thở.
3. Parasomnias – hành vi bất thường khi ngủ
Là một loại rối loạn giấc ngủ gây ra các cử động và hành vi bất thường trong khi ngủ. Chúng bao gồm : Mộng du; nói mơ; rên rỉ; ác mộng; đái dầm; nghiến răng.
4. Hội chứng chân không yên (RLS)
Là một nhu cầu di chuyển chân quá mức, nên đêm ngủ não thôi thúc hành vi đi lại ở chân. Triệu chứng này có thể xảy ra vào ban ngày, nhưng phổ biến nhất vào ban đêm, khi đó chân tự hoạt động như đang đi. RLS thường liên quan đến một số tình trạng sức khỏe, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và bệnh Parkinson, nhưng nguyên nhân chính xác không phải lúc nào cũng biết được.
5. Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ được đặc trưng bởi “cơn ngủ” xảy ra trong khi thức, nghĩa là bạn sẽ đột nhiên cảm thấy vô cùng mệt mỏi và ngủ thiếp đi mà không có dấu hiệu báo gì báo trước.
Dấu hiệu này cũng có thể gây tê liệt khi ngủ, khiến bạn không thể di chuyển ngay sau khi thức dậy. Mặc dù chứng ngủ rũ có thể tự xảy ra, nhưng nó có thể liên quan đến một số rối loạn thần kinh nhất định, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng.
6. Các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ
- Khó đi vào giấc ngủ.
- Ngủ ngày, thức đêm do rối loạn đồng hồ sinh học như thay đổi kinh tuyến nơi ở.
- Thôi thúc mạnh mẽ để có giấc ngủ ngắn trong ngày.
- Kiểu thở bất thường.
- Những di chuyển trong khi ngủ.
- Chuyển động bất thường hoặc các trải nghiệm khác khi ngủ.
- Thay đổi không chú ý đến lịch trình ngủ/thức.
- Cáu kỉnh hoặc lo lắng.
- Suy giảm hiệu suất nơi làm việc hoặc học tập.
- Thiếu tập trung.
- Phiền muộn.
- Tăng cân bất thường.
7. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Dị ứng và các vấn đề về hô hấp: Dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp có thể khiến bạn bị khó thở vào ban đêm. Không thở được bằng mũi cũng gây khó ngủ.
Đi tiểu thường xuyên: Tiểu đêm, hoặc đi tiểu thường xuyên, có thể làm bạn gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn phải thức giấc vào ban đêm. Sự mất cân bằng về nội tiết tố và các bệnh về đường tiết niệu có thể góp phần vào sự phát triển của tình trạng này.
Đau mạn tính: Các cơn đau có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Nó thậm chí có thể đánh thức bạn sau khi bạn đã chìm vào giấc ngủ. Một số nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau mạn tính bao gồm : Viêm khớp; Nhức đầu mạn tính; Bệnh viêm ruột; Đau cơ xơ hóa; Đau lưng liên tục… Trong một số trường hợp, cơn đau mạn tính có thể trầm trọng hơn do rối loạn giấc ngủ. Ví dụ: Các bác sĩ tin rằng sự phát triển của chứng đau cơ xơ hóa có thể liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ.
Căng thẳng và lo lắng: Sự căng thẳng và lo lắng thường tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được. Ác mộng, nói chuyện khi ngủ, mộng du…cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
Nguồn: Ts. Bs cao cấp Ngô Quang Trúc/ Yhocbandia.vn